Thứ Bảy, ngày 27/07/2024 13:21 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: [email protected]
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Môi trường

Bốn giải pháp căn cơ khắc phục sạt lở ĐBSCL

Thu Cúc - 10:09 05/06/2024 GMT+7

Đánh giá trữ lượng cát sỏi, lòng sông; quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại dân cư những vùng có nguy cơ bị sạt lở; xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông; nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo… là những giải pháp căn cơ để ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bốn giải pháp căn cơ khắc phục sạt lở ĐBSCL- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu 4 giải pháp căn cơ khắc phục sạt lở tại ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng; các giải pháp căn cơ khắc phục thực trạng này là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn sáng 4/6.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không những gây sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long mà tại khu vực miền núi phía Bắc tình trạng sạt lở cũng nghiêm trọng.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã phân tích 4 nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở, lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ nhất, do nền địa chất của Đồng bằng sông Cửu Long được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ. So với tất cả các đồng bằng của thế giới thì địa chất của Đồng bằng sông Cửu Long non trẻ nhất. Theo hệ thống giám sát quan trắc hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tự lún. "Chúng tôi đo được các phễu lún, từ năm 2005 đến năm 2017 lún đến 10 cm, tất cả đều do nền địa chất quá non trẻ", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

Thứ hai, trước đây lượng phù sa về đầy đủ hơn, bây giờ lượng phù sa giảm rất lớn, đây cũng là một hiện tượng gây thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp, là một tác nhân gây ra sạt lở, sụt lún.

Thứ ba, là trong quá trình phát triển, chúng ta xây dựng đô thị, xây dựng khu dân cư, nuôi trồng thủy sản… Những hoạt động này cũng làm tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông, thay đổi dòng chảy.

Thứ tư, là việc khai thác cát trái phép, các mỏ khai thác cát đều được đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên vẫn có tình trạng không quản lý được dẫn đến khai thác trái phép. "Tôi đã được nghe các địa phương báo cáo tình trạng khai thác lậu, dùng vòi để hút vô tội vạ, gần bờ. Vừa qua, chúng ta đã xử lý một số vi phạm, có phép nhưng khai thác quá công suất, quá chiều sâu, có mỏ khai thác gấp đôi chiều sâu cho phép. Khi khai thác một mỏ cát thì chúng ta phải tính được việc lấp đầy, lấp bù, tính toán lượng phù sa, lượng cát nhưng việc khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long không tuân thủ các quy định trên", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu thực tế.

Nhận định rõ những yếu tố gây ra sạt lở và lún sụt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu 4 giải pháp căn cơ cần thực hiện ngay để khắc phục.

Một là, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng giao đánh giá Đề án về trữ lượng cát sỏi, lòng sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như vậy, các cơ quan liên quan sẽ biết được tổng thể những vùng có thể khai thác, trữ lượng khai thác như thế nào để có giải pháp ứng phó cụ thể, trước đây chúng ta chưa nghiên cứu vấn đề này.

Hai là, các địa phương phải có quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại dân cư những vùng có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, những vùng nào nguy cơ cảnh báo cao thì phải thực hiện ngay việc quy hoạch, bố trí lại dân cư.

Ba là, xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông, có nhiều khúc sông phần diện tích xây dựng trên đất ít hơn diện tích lấn chiếm ở ngoài vì thay đổi dòng chảy, đây là một tác nhân rất lớn.

Cuối cùng, nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo. Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn có bản tin về thủy văn, bản tin về cảnh báo dự báo 10 ngày, hằng tháng.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng từng bước nâng cấp trang thiết bị, cùng tổ chức quốc tế đào tạo nhân lực để tăng khả năng dự báo. "Khả năng dự báo của Việt Nam đã tiệm cận các nước trong khu vực. Dự báo chính xác đóng vai trò quan trọng trong chuẩn bị ứng phó", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Để ứng phó với hạn hán tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ cũng đã cung cấp thông tin giúp các địa phương điều chỉnh thời gian vụ mùa nông nghiệp để không bị hạn mặn. Bộ cung cấp các bản tin thủy văn về nhiễm mặn, cảnh báo sạt lở theo giai đoạn 10 ngày, 30 ngày.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đã bị xâm nhập mặn rất sâu, trước đây khoảng 15-20km, hiện nay chỗ sâu nhất ở Sông Vàm Cỏ là 125km. Trong thời gian tới, với hiện tượng El Nino và với việc lưu lượng nước hạn chế, việc xâm nhập mặn này chắc chắn sẽ tiếp tục cực đoan hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành trong quy hoạch vùng đã tính đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ví dụ sản xuất, nuôi trồng từ nước ngọt có thể chuyển sang nước mặn, nước lợ. Cùng với đó, có những giải pháp về công trình, phi công trình để đồng bộ trong các công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước.

  • Quỹ Vì tương lai xanh đồng hành cùng chiến dịch Mùa hè xanh 2024

    Quỹ Vì tương lai xanh – Tập đoàn Vingroup ký kết Hợp tác đồng hành với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của hơn 30 trường, viện, đơn vị để tổ chức ra quân và phát động chiến dịch Mùa hè xanh năm 2024. Chương trình sẽ được tổ chức tại 13 tỉnh, thành phố với những hoạt động trọng điểm về cải tạo môi trường và lan tỏa lối sống xanh, bền vững.
  • Tái chế nhựa cứng thành nguyên liệu cho máy in 3D

    Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) của Australia mới đây đã phát minh một thiết bị công nghệ mới nhằm tái chế nhựa cứng phế thải thành nguyên liệu cho máy in 3D.
  • Giảm phát thải carbon trong ngành vận tải biển

    Ngành vận tải biển đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon. Đặc biệt, khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thúc đẩy áp dụng phí đối với khí thải nhà kính của ngành, có thể sớm nhất là vào tháng 9 năm 2024.
  • Gần 1.000 CBNV SeABank ra quân làm sạch bờ biển tại 11 tỉnh thành, hướng tới phát triển bền vững

    Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01-08/06) và ngày Đại dương thế giới 08/06, ngày 08/06/2024, gần 1.000 CBNV Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, Hose: SSB) đã cùng chung tay dọn vệ sinh bờ biển, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển tại 11 tỉnh, thành phố có biển trên toàn quốc. Hoạt động nằm trong chương trình Let’s Go Green with SeABank - Ocean Cleanup của Ngân hàng nhằm giữ gìn vệ sinh các bờ biển, bảo vệ đại dương hướng tới phát triển bền vững, góp phần tạo giá trị cho cộng đồng phù hợp với một trong năm giá trị cốt lõi của SeABank - Vì Cộng đồng.