Thứ Bảy, ngày 27/07/2024 13:35 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: [email protected]
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tài chính

Lãi suất huy động 'nóng' lên với tín hiệu tăng từ một số ngân hàng

Lê Phương - 08:02 15/04/2024 GMT+7

Trong nửa đầu tháng 4, tín hiệu tăng lãi suất huy động đã trở lại tại một số ngân hàng với mức tăng từ 0,1 - 0,3%/năm.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại VPBank Phạm Văn Đông, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/ TTXVN

Mới nhất, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1%/năm đưa lãi suất lên niêm yết ở mức 2,6%/năm. 

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng tới 0,3%/năm đưa lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 24 - 36 tháng vượt 5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 - 18 tháng cũng tăng lên 4,8%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng thêm 0,2%/năm lãi suất một số kỳ hạn.

Cụ thể, Kienlongbank niêm yết lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6-36 tháng từ 4,4 - 5,5%/năm. Eximbank niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 6 - 9 tháng ở mức 4,1%/năm. 

Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nhích tăng lãi suất từ 0,1 - 0,2%/năm tại một số kỳ hạn.

Dù mới chỉ nhích tăng lãi suất huy động tại một vài kỳ hạn nhưng động thái này của các ngân hàng thương mại cũng đang thu hút sự chú ý của người gửi tiền.

Ở chiều ngược lại, vẫn có ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có 2 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng 4 đến nay, mức giảm từ 0,1 - 0,3%/năm tùy từng kỳ hạn.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 3 tháng tại SCB hiện còn từ 1,6 - 1,9%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng còn 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 3,7%/năm; kỳ hạn 18 - 36 tháng còn 3,9%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng giảm lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)...

Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, vẫn tồn tại các mức lãi suất huy động cao đặc biệt cho các khoản tiền gửi lớn. Trong đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang là ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất lên tới 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 12 - 13 tháng. Mức này đã giảm 0,5%/năm so với hồi đầu tháng trước.

Tương tự tại Techcombank cũng áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên.

Theo phân tích của WiGroup, mặc dù lãi suất huy động hiện vẫn duy trì ở mức thấp nhất, nhưng có dấu hiệu cho thấy sự đột phá trong việc tăng lãi suất từ một số ngân hàng tư nhân. Nguyên nhân chính của việc này là do lượng tiền gửi vào các ngân hàng giảm, trong khi nhu cầu vay tăng trưởng.

WiGroup dự báo dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều, điều này cũng là dấu hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã sắp chạm "đáy".

  • SeABank đạt lợi nhuận hơn 3.238 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, CASA tăng mạnh

    Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số dư CASA tăng cao, đạt 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số kinh doanh khác đều có sự tăng trưởng ổn định và hiệu quả. Bên cạnh đó SeABank cũng thành công huy động 255 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế.
  • NHNN: Bám sát diễn biến, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

    Đến ngày 28/6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. NHNN khuyến khích tạo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) bằng các nguồn lực hiện có, nhưng phải hài hòa các chính, bảo đảm các mục tiêu ngắn và dài hạn, thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.
  • Dự báo tới năm 2030 có hơn 1,2 tỷ tấn hàng hóa qua cảng biển

    Theo quy hoạch Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, dự báo tới năm 2030, sản lượng hàng hóa qua các khu vực cảng biển sẽ đạt khoảng 1,2 - 1,4 tỷ tấn, với sản lượng hàng hóa container tính theo Teu dự kiến khoảng 46,3 - 54,34 triệu Teu.
  • Nhà bán lẻ bình ổn, không để lương tăng, giá tăng

    Ghi nhận gần một tháng kể từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng cho thấy, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh tương đối ổn định và đảm bảo nguồn cung dồi dào. Đồng thời, các nhà bán lẻ nỗ lực bình ổn giá và không để "lương tăng giá tăng".
  • Trợ lực lớn cho bất động sản công nghiệp

    Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam (Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ tại Việt Nam) nhận xét: Bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện đất công nghiệp cho thuê có tỷ lệ lấp đầy cao, gần như 100%.