Thứ Bảy, ngày 27/07/2024 14:26 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: [email protected]
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Thị trường

Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Tú Linh (t/h) - 09:19 11/06/2024 GMT+7

Ngày 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 57/CĐ-TTg yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.

Theo đó, tại công điện nêu rõ, từ đêm 8/6 đến sáng 10/6, một số địa phương khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa lớn với lượng mưa phổ biến 40-120mm, khu vực Quảng Ninh - TP Hải Phòng lượng mưa 150-300mm, tỉnh Hà Giang 100-250mm (tại xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên lượng mưa lên tới 428mm).

Ảnh hưởng của mưa lớn, trên thượng nguồn sông Lô (Hà Giang), sông Gâm (Cao Bằng) đã xuất hiện lũ; mực nước cao nhất trên sông Lô (tại Hà Giang), sông Gâm (tại Bảo Lạc, Cao Bằng) vượt báo động 3, làm 3 người chết và một số người mất tích. Mực nước các hồ thủy điện: Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; một số khu vực thuộc các thành phố: Hà Giang, Uông Bí, Hạ Long, Hải Phòng bị ngập sâu, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong những ngày tới (14 - 17/6), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to. Trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao 100-150 mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Trên các sông thuộc lưu vực sông Thao, sông Đà, sông Lô khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Mưa lớn khiến nhiều khu vực ở Hà Giang nước ngập sâu từ 0,5 - 1 m. Ảnh: MXH

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân.

Lãnh đạo Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và Chủ tịch các tỉnh, thành phố huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn, nhất là những gia đình chính sách, hộ bị mất nhà cửa, gia đình neo đơn, hộ nghèo, khó khăn.

Các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu. 

Bên cạnh đó, các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập, vận hành theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.

Ngoài ra, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

Liên quan đến nguyên nhân gây ra đợt mưa lớn kỷ lục ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), cho biết, mưa lớn xuất hiện ở miền Bắc thời gian này không phải bất thường. Do đang ở giai đoạn chuyển mùa, khu vực chịu tác động của các đợt sóng lạnh yếu gây mưa dông.

Theo chuyên gia, từ đêm 8/6 đến ngày 10/6, miền Bắc đã xuất hiện mưa lớn với hai tâm mưa. Ở Đông Bắc Bộ, tâm mưa nằm tại Quảng Ninh, Hải Phòng với vũ lượng lên tới 200-300mm, có nơi như huyện Quảng Hà và TP Móng Cái xấp xỉ 400mm. Còn ở Tây Bắc Bộ, tâm mưa nằm tại khu vực Hà Giang với lượng phổ biến 100-200 mm, cá biệt có điểm mưa ở huyện Vị Xuyên trên 400mm. "Đây đều là lượng mưa lớn trong tháng 6, là nguyên nhân gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang và một số nơi ở vùng núi phía Bắc", ông Hưởng nhận định.

Riêng ở TP Hà Giang và huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), khu vực này có địa hình lòng chảo, được bao quanh bởi các rãnh núi cao nên khi lũ lên, lượng nước dồn về quá nhanh, gây ngập lụt diện rộng.

Theo cơ quan khí tượng, từ chiều 10/6, mưa ở Bắc Bộ có xu hướng giảm. Những vùng tâm mưa như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang cũng giảm mưa nhưng đề phòng vẫn có điểm mưa cục bộ lên đến 100mm. Do vậy, người dân các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục đề phòng với hiện tượng lũ quét, trượt lở đất do mưa lớn cục bộ với cường suất lớn.

Từ ngày 11/6, miền Bắc giảm mưa và tăng nhiệt, có nơi lên ngưỡng nắng nóng trên 35 độ C. Tuy nhiên đến khoảng ngày 14-16/6, khu vực khả năng hứng thêm đợt mưa mới.

  • SeABank đạt lợi nhuận hơn 3.238 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, CASA tăng mạnh

    Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số dư CASA tăng cao, đạt 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số kinh doanh khác đều có sự tăng trưởng ổn định và hiệu quả. Bên cạnh đó SeABank cũng thành công huy động 255 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế.
  • NHNN: Bám sát diễn biến, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

    Đến ngày 28/6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. NHNN khuyến khích tạo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) bằng các nguồn lực hiện có, nhưng phải hài hòa các chính, bảo đảm các mục tiêu ngắn và dài hạn, thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.
  • Dự báo tới năm 2030 có hơn 1,2 tỷ tấn hàng hóa qua cảng biển

    Theo quy hoạch Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, dự báo tới năm 2030, sản lượng hàng hóa qua các khu vực cảng biển sẽ đạt khoảng 1,2 - 1,4 tỷ tấn, với sản lượng hàng hóa container tính theo Teu dự kiến khoảng 46,3 - 54,34 triệu Teu.
  • Nhà bán lẻ bình ổn, không để lương tăng, giá tăng

    Ghi nhận gần một tháng kể từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng cho thấy, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh tương đối ổn định và đảm bảo nguồn cung dồi dào. Đồng thời, các nhà bán lẻ nỗ lực bình ổn giá và không để "lương tăng giá tăng".
  • Trợ lực lớn cho bất động sản công nghiệp

    Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam (Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ tại Việt Nam) nhận xét: Bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện đất công nghiệp cho thuê có tỷ lệ lấp đầy cao, gần như 100%.