Thứ Bảy, ngày 27/07/2024 09:34 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: [email protected]
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Pháp luật giao thông

Xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN - 10:15 19/05/2024 GMT+7

Thời gian gần đây, số vụ chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp và mức độ ngày càng nguy hiểm, đặc biệt là sự chống đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT). Điều này thể hiện sự manh động, côn đồ và sự coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cần phải bị xử lí nghiêm khắc.

Ảnh minh họa.

Cách đây không lâu, hình ảnh một người phụ nữ lái xe ngược chiều nhưng lại có những hành vi ăn nói tục tĩu, lăng mạ các chiến sĩ CSGT đã gây bất bình trong dư luận. Nghiêm trọng hơn, có không ít trường hợp chống đối CSGT bằng cách gây gổ, hành hung, sử dụng vũ khí, công cụ nguy hiểm để tấn công, thậm chí cố tình lái xe tông thẳng vào người các chiến sĩ CSGT, gây ra những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.

Vậy, lý do gì khiến tình trạng này ngày một gia tăng, pháp luật quy định mức xử phạt đối với hành vi chống đối người thi hành công vụ như thế nào và giải pháp, kiến nghị cho vấn đề này ra sao?

Chống người thi hành công vụ là hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của mình bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc là hành vi cưỡng ép người đó thực hiện hành vi trái pháp luật.

Theo Điều 3 giải thích từ ngữ trên tinh thần nội dung của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ có định nghĩa: “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Như vậy, có thể hiểu một hành vi bị xem là chống người thi hành công vụ, trước hết hành vi đó phải có dùng vũ lực (như đánh, trói,…), đe dọa dùng vũ lực  (dọa đánh,…) hoặc hành vi đó phải dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..), cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật như cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai thác lậu,…

Tuy nhiên, không phải hành vi nào mà phản ứng lại người thi hành công vụ cũng đều bị xem là hành vi chống người thi hành công vụ.

Việc tình trạng chống đối người thi hành công vụ gia tăng có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cơ bản nổi lên một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, các đối tượng chống người thi hành công vụ hoạt động rất manh động và liều lĩnh; nhận thức về pháp luật còn hạn chế, coi thường pháp luật và các lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ; vì các động cơ cá nhân đã kích động, lôi kéo, tụ tập đông người để chống lại lực lượng thi hành công vụ, làm cho tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp; thậm chí do chế tài xử phạt hành vi vi phạm giao thông nặng nên các đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông tìm mọi cách trốn tránh, cản trở, chống đối quyết liệt lực lượng CSGT.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân còn nhiều hạn chế, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về xử lý nghiêm các đối tượng chống lại lực lượng CSGT chưa sâu rộng, chưa tạo được sự lên án mạnh mẽ của dư luận; Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao.

Thứ ba, các quy định về chế tài xử lý hành vi chống người thi hành công vụ dù nghiêm minh nhưng chưa đủ sức răn đe, giáo dục người phạm tội, trong một số vụ án, các đối tượng nhiều lần chống người thi hành công vụ thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm khắc.

Thứ tư, một số cán bộ trong khi làm nhiệm vụ còn bị hạn chế về kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống, giải quyết công việc chưa cương quyết, khôn khéo, còn lúng túng, thiếu nhanh nhạy có những lời nói, cử chỉ, hành động chưa đúng mực, thiếu văn hóa; chưa thực sự tôn trọng nhân dân, gây ra tâm lý ức chế, bức xúc cho công dân, vì thế dẫn đến việc chống lại những yêu cầu, đề nghị của lực lượng thi hành công vụ…

Dù do bất cứ nguyên nhân gì thì phải khẳng định rằng hành vi chống đối lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, là hồi chuông báo động về sự xuống cấp về đạo đức, ý thức công dân và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Và những hành vi này cần phải bị xử lí nghiêm minh trước pháp luật.

Cụ thể, pháp luật Việt Nam hiện nay đã quy định các chế tài xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ, theo đó, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi mà các đối tượng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định.

Về xử lý hành chính thì trường hợp người có hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể theo Điều 21, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể: 

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi: "Môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ".

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với những hành vi: "Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ".

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với những hành vi: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ”.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ.

Về xử lý trách nhiệm hình sự thì trường hợp người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm khi một người có hành vi chống người thi hành công vụ, quyết định về việc xử lý hình sự sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi, cũng như quy định của pháp luật. 

Theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hình sự nếu như đủ yếu tố cấu thành tội như sau:

Khung 01: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm đối với người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật;

Khung 02: Phạt tù từ 02 – 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp cấu thành tăng nặng như: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Trường hợp gây thương tích với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân được quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả chết người và xác định mục đích của người phạm tội là nhằm tước đoạt tính mạng thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 123 với tình tiết định khung là “phạm tội đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Có thể thấy, nếu so sánh mức xử phạt với thực trạng của hiện nay thì tôi cho rằng mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi, các hành vi chống đối của các đối tượng ngày một biến tướng rất nguy hiểm, không chỉ dừng lại ở việc xúc phạm bằng lời nói, các đối tượng còn hoạt động theo dạng băng nhóm, cố tình sử dụng hung khí nguy hiểm (như dùng dao, kiếm…), thực hiện hành vi có thể dẫn đến chết người như tông xe trực diện vào cảnh sát… Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm hơn nữa nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa chung.

Về kiến nghị giải pháp cơ bản cho vấn đề này, yếu tố tiên quyết quan trọng nhất vẫn là mọi người đều phải nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với người dân khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng quy định pháp luật, có thái độ, cư xử đúng mực, phối hợp với lực lượng chức năng khi giải quyết tình huống. Đồng thời, lên án mạnh mẽ các tình huống chống đối người thi hành công vụ.

Đối với các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cũng phải tuân thủ đúng luật pháp, nâng cao trình độ năng lực về nghiệp vụ, làm tròn chức trách của mình, cư xử đúng chuẩn mực, khôn khéo với người dân trong mọi tình huống, tránh tình trạng mâu thuẫn, gây ra tâm lí bức xúc của người dân.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng CSGT, chủ động có phương án bố trí lực lượng CSGT khi tuần tra làm nhiệm vụ, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ đảm bảo, bắt giữ kịp thời khi có tội phạm xảy ra.

Các cơ quan Nhà nước bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động pháp luật cho người dân thì cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, xử lí nghiêm các các trường hợp không chấp hành luật, chống đối CSGT.